top of page

Overtime - A heavy price in video production industry

Writer: Long KhuatLong Khuat

Trong ngành sản xuất phim ở Việt Nam, overtime đã và đang trở thành một thực tế đáng buồn. Để cắt giảm chi phí và đáp ứng những deadline gấp rút, nhiều dự án yêu cầu làm việc tới 18-20 tiếng/ngày, trong nhiều ngày liên tục - một thực tế gây ảnh hưởng nặng nề đến tất cả mọi người.


Với các vị trí cấp cao như đạo diễn, nhà sản xuất, và quay phim, những giờ làm việc kéo dài này thường được bù đắp bằng mức lương cao hơn và số ngày quay ít hơn mỗi tháng. Nhưng với những người lao động ở các vị trí thấp hơn, yêu cầu sức lực nhiều hơn – như kỹ thuật viên ánh sáng, gaffer, và grip – lịch trình căng thẳng này thường dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe.


Mình quyết định viết về chủ đề này sau sự việc của một gaffer có tiếng ở Sài Gòn năm vừa rồi, năm kia thì cũng có một anh kỹ thuật ánh sáng qua đời và trước đó nữa nữa là một editor - với hy vọng đóng góp tiếng nói và góp phần thay đổi thực trạng này.


Nhiều người chỉ ra rằng, mọi người nên tự quan tâm đến sức khoẻ của bản thân và không nhận những job như vậy nữa, nhưng sự thực thì không đơn giản như vậy. Những người ở vị trí gaffer, lighting tech, grip, set - họ thường là lao động chính trong gia đình, nên áp lực tài chính cao. Hơn nữa, thị trường cạnh tranh, mối lo sợ là nếu từ chối job thì có khi job sau sản xuất sẽ không gọi mình nữa. 2 điều này khiến cho họ cảm thấy họ không còn lựa chọn. 


Nhưng những tác động của việc thiếu ngủ, công việc đòi hỏi thể lực nặng nề, và các thói quen không lành mạnh như hút thuốc có thể gây hậu quả nghiêm trọng. Những điều kiện này tạo ra một vòng luẩn quẩn của sức khỏe suy giảm, stress, chất lượng cuộc sống đi xuống, mà không có lối thoát rõ ràng.


Đối với mình, trách nhiệm phải đến chủ yếu từ những công ty, đơn vị sản xuất. Mặc dù áp lực về ngân sách và thời gian là một phần đặc thù của ngành, nhưng chúng ta không thể đánh đổi bằng sức khoẻ và sự an toàn của chính những người góp phần làm nên những thước phim của chúng ta. Ở Châu Âu hay Mỹ, đã có những giới hạn là 12 giờ làm việc mỗi ngày, với “turnaround” là 10 tiếng (tức là nếu bạn quay xong vào lúc 10h tối ngày 1, thì ngày 2 chỉ được bắt đầu sớm nhất là 8h sáng). Với Việt Nam, đặc biệt là ngành quảng cáo, có lẽ phải cần thời gian và công đoàn để được như vậy.


Riêng với FA, đã có 2 dự team mình làm việc quá 18 tiếng/ngày trong nhiều ngày liên tục, 1 lần là do còn trẻ, và 1 lần do thiếu kinh nghiệm planning. Sau khi cảm giác được sự bào mòn và thiếu hiệu quả của việc OT, mình đã quyết tâm rút kinh nghiệm - một ngày quay giới hạn trong 12-14 tiếng, đối với những dự án cực kì thiếu budget thì sẽ quay dưới 16 tiếng, và không quay 2 ngày liên tiếp như vậy. 


Thay đổi sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều, nhưng nó bắt đầu từ chính những hành động của những người đưa ra quyết định. Mỗi quyết định được đưa ra – từ lịch trình, ngân sách cho đến cách đối xử với đội ngũ – đều có tác động lâu dài. Bằng cách cam kết điều kiện làm việc nhân văn hơn, chúng ta không chỉ bảo vệ sức khỏe của đội ngũ mà còn đảm bảo tính bền vững lâu dài cho ngành.



 
 
 

留言


© 2020 by FA Production.

  • Facebook
  • Instagram
  • Vimeo
bottom of page